Phòng trừ bệnh hại trên cây hoa lài

Hoa lài hay còn gọi là hoa nhài. Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ. Hoa của nó được ứng dụng nhiều trong đời sống như dùng để ướp trà, làm tinh dầu,… Đặc biệt nhiều sân vườn, cảnh quan hiện nay đang rất ưa chuộng trồng loại cây này vì cho hoa đẹp và thơm. Để giúp cây ra sai hoa, lá xanh tốt cần phòng trừ các loại sâu bệnh hại cho cây cẩn thận.

Ngoài ra, tinh dầu chiết xuất từ hoa lài được dùng làm nguyên liệu trong sản xuất nước hoa, mỹ phẩm. Hoa lài là loại cây dễ trồng, mau thu hoạch (chỉ  một năm sau khi trồng là có thể thu bông) và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Cây hoa lài thích nghi được nhiều vùng đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là đất nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt vì cây hoa lài rất sợ úng. Hoa lài là loại cây ưa sáng, trồng lài nơi có ánh sáng đầy đủ cây mới ra hoa nhiều và đặc biệt là hương thơm. Tuy nhiên, nông dân trồng hoa lài đang gặp khó khăn vì bệnh thối bông và bệnh sùi cành gây ảnh hưởng lớn đến năng suất hoa lài.

Bệnh thối bông rất phổ biến trên hoa lài. Bệnh do nấm Botrytis cinerea gây ra. Bệnh gây hại chủ yếu trên nụ hoa, cánh hoa đôi khi có trên lá và thân. Nếu bệnh xuất hiện sớm từ khi hoa mới giai đoạn nụ thì nụ hoa sẽ không nở được, bên ngoài phủ lớp nấm màu xám, bên trong nụ bị thối rỗng, nụ hư và rụng.

Nấm có thể tấn công cuống hoa làm cuống bị những vết thâm nâu, bệnh nặng cả cuống hoa bị thối khô. Bệnh tấn công lúc hoa nở, dễ dàng nhận diện triệu chứng trên cánh hoa xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu, hoa bị khô cháy.Trên lá, bệnh thường xuất hiện ở phía đầu chóp lá, sau đó lan dần xuống phiến lá. Ban đầu, vết bệnh chỉ là đốm nhỏ màu nâu, sau đó lan rộng ra và lá rụng sớm.

Nấm hình thành phân sinh bào tử. Nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh. Nấm xâm nhập vào cành qua vết thương khi chăm sóc, cắt tỉa, từ đó phát triển gây hại bông.

Ngoài bệnh thối bông, bệnh sùi cành gây hại cũng khá phổ biến trên vườn hoa lài. Bệnh sùi cành do vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens. Bệnh gây hại chủ yếu trên cành. Triệu chứng nhận biết là đốt trên cành co ngắn lại, có nổi những u sần sùi, vỏ trên cành bị nứt dọc, phía trong phần gổ nồi u. Những vết sần sùi liên kết lại thành một đoạn dài bao quanh cành, cành bị khô, giòn, dễ gãy. Cây bị bệnh kém phát triển, lá vàng và rụng sớm.

Vi khuẩn phát triển thích hợp trong điều kiện nhiệt độ 25 – 30 độ C. Vi khuẩn xâm nhập vào cây qua vết xây xát và phát triển trong mô cây tạo thành những khối u sần sùi. Vi khuẩn tồn tại trong cây bệnh và trong đất.

Biện pháp phòng trừ:

– Vườn trồng hoa lài nên tạo hệ thống thoát nước tốt, tránh ngập úng trong mùa mưa.

–  Không nên trồng quá dày để vườn hoa lài luôn được thông thoáng. Hàng năm nên tỉa bớt các cành già, cành khô, cành sâu bệnh, kịp thời tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh, tạo điều kiện thông thoáng cho vườn lài.

– Không tưới nước thẳng trên hoa hoặc tưới lúc chiều tối vì nước đọng lại làm bệnh phát triển mạnh.

– Đối với bệnh thối bông nên phun ngừa bằng thuốc trừ nấm giai đoạn nụ hoa. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Anvil 5SC, Amistar Top 325SC, Miksabe 100WP,…Riêng đối với bệnh sùi cành nên sử dụng thuốc gốc Đồng để phun ngừa hoặc khi phát hiện bệnh  mới chớm. Sử dụng thuốc trừ vi khuẩn như New Kasuran 16.6 BTN, Bactocide 12WP, Starner 20WP,….

Vì hoa lài được thu hoạch hàng ngày và thường dùng ướp trà nên phải thật thận trọng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nên chọn những loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn và tuyệt đối phải đảm bảo đúng thời gian cách ly để an toàn sức khoẻ cho người dùng./.

 Nguồn: Sở nông nhiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre