Cây Bưởi
Cây Bưởi Việt Nam – Cách trồng cách chăm sóc và Lợi ích của trồng cây Bưởi
Giới thiệu chung và đặc điểm nhận biết cây bưởi
Cây bưởi là cây thuộc họ nhà cam chanh quýt có tên khoa học là Citrus maxima. Cây bưởi thuộc thực vật thân gỗ có kích thước trung bình từ 1-4 m. Bưởi phù hợp với khí hậu nhiệt đới, có nguồn gốc từ các vùng thuộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiện nay có rất nhiều loại giống cây bưởi khác nhau với kích thước, hình dáng, mùi vị, màu sắc, kích thước và đặc điểm đa dạng.
Bưởi vừa là loại cây cảnh và vừa cây ăn quả cực kỳ phổ biến ở nước ta. Cây thường trồng tại các vị trí trước nhà để lấy bóng mát, mùi hương, quả ăn hoặc sân vườn của nhiều hộ gia đình. Đây là giống cây dễ trồng và chăm sóc lại phù hợp với khí hậu Việt Nam nên đã sớm được biết đến rộng rãi và đi vào văn hóa ẩm thực của người VN, đặc biệt trong dịp lễ Tết Trung Thu.
Bưởi có nhiều kích thước, mùi vị tùy từng giống cây trồng, chẳng hạn bưởi Đoan Hùng chỉ có đường kính độ 15 cm rất ngọt và thơm, trong khi bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều (Biên Hòa), bưởi da xanh (Bến Tre) và nhiều loại bưởi khác thường gặp ở Việt Nam, Thái Lan có đường kính khoảng 18 – 23 cm có vị chua, ngọt, đắng, bùi khác nhau
Tác dụng của cây bưởi
- Tác dụng của hoa bưởi
Hoa bưởi có mùi thơm ngát rất dễ chịu, thường được phơi khô ướp với lá chè, nấu chè bưởi hoặc sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp như sữa tắm hương bưởi, dầu gội, hương thơm của hoa bưởi giúp tinh thần thoải mái, thư thái.
Hoa bưởi còn được dùng để cất tinh dầu thơm, dùng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo.
-
Tác dụng của vỏ và lá bưởi
Vỏ quả bưởi và lá được dung để uống dưới dạng thuốc sắc, rất tốt cho sức khỏe và hệ tiêu hóa. Dịch quả dùng uống trong, ngày uống 3 lần trước các bữa ăn. Lá dùng ngoài không kể liều lượng, có thể đun để uống hoặc để tắm gội, ở nước ta các bà các mẹ thường sử dụng lá bưởi làm một trong những nguyên liệu để đun nước tắm cho trẻ, vừa sạch sẽ, thoáng mát mà tránh được côn trùng đốt. Người dân cũng thường dùng lá bưởi và vỏ bưởi nướng chín lên để nắn, xoa bóp hay nấu nước xông và ngâm để chữa sưng chân do hàn cảm lạnh, phong tê thấp, chướng khí, giảm đau do trúng phong tê bại. Lá non dùng chữa sưng trên khớp, bong gân, gãy xương do ngã, chấn thương; còn dùng chữa đau bụng, đầy bụng do lạnh.
Hơn nữa, vỏ bưởi còn dùng để trị đờm kết đọng ở cổ họng và cuống phổi, đau bụng do lách to; còn dùng trị đau dạ dày, đầy bụng, kém ăn ăn uống không tiêu, ho nhiều, hen suyễn, viêm phế quản, đau thoát vị.
Ở Ấn Độ, người ta dùng vỏ và lá bưởi để chữa bệnh động kinh, múa giật và ho có co giật. Vỏ hạt bưởi có chứa chất nhầy pectin dùng làm thuốc cầm máu rất hiệu quả.
-
Tác dụng của múi bưởi
Quả bưởi không chỉ dùng để ăn trực tiếp rất thơm ngon bổ dưỡng, tốt cho hệ tiêu hóa mà nó còn là một trong những phương thuốc quý, với thành phần giàu chất viatmin C, có tác dụng chống oxy hóa, gúp cơ thể chống lại những stress căng thẳngvà chũa một số bệnh có liên quan đến hen suyễn và viêm khớp. Trong múi bưởi còn chứa một hợp chất tên là d-limonene giúp ngăn ngừa bệnh sỏi thận, giảm hàm lượng cholesterol trong cơ thể, đặc biệt trong việc phòng chống ung thư. Ngày nay, bưởi còn được sử dụng trong việc làm đẹp của các chị em phụ nữ, ăn bưởi vừa đủ hằng ngày còn giúp chị em giảm cân, giữ gìn vóc dáng thon gọn, giảm mỡ thừa và trắng sang da.
Cây bưởi phổ biến ở nước ta:
-
Bưởi da xanh
Bưởi da xanh có nguồn gốc từ Bến Tre, có màu xanh lá cây đậm, cân nặng trung bình mỗi quả khoảng từ 1 đến 2 kg, vỏ bưởi da xanh rất mỏng, dễ bóc và không bị dính vào múi bưởi nên không bị he, đắng. Bưởi da xanh có vị giòn, ngọt, thơm, tép bưởi to có màu hồng đỏ mọng nước rất dễ tách.
-
Bưởi diễn
Cây bưởi Diễn ra quả 1 năm 1 lần, thường ra hoa vào tháng hai, quả chín đúng vào dịp tết vì vậy mà mọi người thường mua bưởi diễn để thắp hương vừa đẹp vừa thơm. Khi bước vào thời kỳ chính vụ, cây bưởi Diễn cho thu thường một cây có thể cho 80 trái. Loại quả này có kích thước nhỏ, đường kính chừng 15 cm, trọng lượng 0,8 – 1 kg. Múi bưởi có tôm vàng óng, hạt bên trong se nhỏ, khi ăn sẽ thấy vị ngọt đậm đà mọng nước thơm ngon, khi ăn xong rồi còn lưu mãi ở đầu lưỡi.
-
Bưởi Đoan Hùng
Bười Đoan Hùng có nguồn gốc từ Phú Thọ, giống bưởi này có quả hình cầu dẹt, khi chín bưởi chuyển từ xanh sang màu vàng sáng, cân nặng mỗi quả giao động từ 1 đến 2,5kg, có cùi trắng mỏng, múi ráo mọng nước và tách ra rất dễ dàng.
Khi nhắc đến những giống bưởi đặc sản nước ta sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến giống bưởi Đoan Hùng. Bưởi Đoan Hùng nổi bật hơn tất cả đó là do vị ngọt lịm, giòn tan nơi đầu lưỡi, mùi vị thơm và thấm vào tận ruột gan mát lạnh khiến người ăn một lần nhớ mãi.
-
Bưởi Năm Roi
Bưởi Năm Roi là loại cây đặc sản của huyện Bình Minh, từ lâu đã nổi tiếng không chỉ thị trường trong tỉnh mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Mùa thuận cho trái Năm Roi rộ là từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch.
Giống bưởi năm roi phù hợp với khí hậu miền nam nước ta, cây có tuổi thọ từ 15 đến 17 năm, trái bưởi này có hình quả lê, khoảng 1,2-1,5kg/quả, vỏ mỏng, ruột trắng, múi mềm, tép nhiều nước, vị ngọt hơi chua chua, mùi thơm dịu, để càng lâu càng ngon (có thể bảo quản được 2 tháng). Bưởi năm roi rất ít hạt hoặc không hạt khi chin, càng để lâu quả càng xuống nước thơm ngon. Đây là điểm nỗi bật giữa bưởi năm roi trồng tại Bình Minh và bưởi năm roi trồng tại các vùng khác.
Bưởi năm roi là giống bưởi nhanh cho thu hoạch, vì vậy mag dân ta rất thích trồng bưởi năm roi chỉ sau 2,5 năm trồng cây đã có thể ra hoa đậu quả. Tuổi thọ cây khá cao có thể cho thu hoạch lên đến 15 năm mà chất lượng trái vẫn rất ngon.
-
Bưởi đỏ
Bưởi Luận Văn, còn được gọi là bưởi đỏ, là sản vật “tiến vua” từ ngày xưa. Giống bưởi này có nguồn gốc từ huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Điều đặc biệt đó là khi ta sử dụng rượu để lau bưởi trước khi dâng cúng tổ tiên, bưởi sẽ có mùi thơm rất đặc trưng, khác hẳn với những loại bưởi khác và lưu giữ được màu sắc, vẻ tươi đẹp cả tháng trời. Đặc biệt, bưởi Luận Văn còn được xem như biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Chính vì vậy, người xưa ưu ái xếp bưởi đỏ Luận Văn lên vị trí “vua” của các loại bưởi và ngày nay thường được dân ta mua để dâng cúng tổ tiên.
Cách trồng cây bưởi
Nhìn chung cách trồng các loại cây bưởi đều rất giống nhau, rất dễ trồng và không phải canh tác chăm bón nhiều mà năng suất lại cao. Dù là kỹ thuật trồng cây bưởi diễn, cách trồng cây bưởi da xanh hay các loại bưởi khác đều tương tự. Thời điểm trồng tốt là khoảng cuối mùa khô và đầu mùa mưa.
Đất trồng bưởi nên là loại đất thịt, đất màu giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Vì cây bưởi khá to nên khu vực trồng cần bằng phẳng và không bị trũng để tránh úng rễ cây vào mùa mưa, tranh trồng bưởi gần ao hồ và có thể trồng trước sân nhà, sau vườn nhà.
Trước khi trồng bưởi ta cần xác định vị trí trồng cây và chọn giống cây phù hợp, cây không bị sứt sẹo, lá không bị úa. Đầu tiên, ta đào hố tròn hoặc vuông sâu khoảng 0,5m tại vị trí muốn trồng. Tiến hành rải vôi bột để khử trùng và cân bằng độ PH cho đất. Trộn đất đã đào với phân ủ mục rồi tiến hành lấp đất kín rễ cây. Cố định cho cây đứng thẳng và nén đất để đảm bảo cây con không bị đổ. Nếu cây to cần sự giúp đỡ của mọi người, đảm bảo an toàn cho bản thân.
Cách ghép cành bưởi
Giống như những loại cây ăn quả khác, cách chiết cây bưởi cũng được tiến hành khá nhiều để gia tăng năng suất. Kỹ thuật ghép cây bưởi hiện nay thường là ghép chồi con khá đơn giản và khả năng sống sót rất cao.
Bước 1: Người ghép lựa chọn chồi cần ghép và tiến hành cắt chồi non.
Bước 2: Cắt của gốc ghép một phần vỏ cây tương ứng với chồi ghép.
Bước 3: Chèn chồi ghép vào vị trí đã cắt của gốc ghép. Buộc cố định bằng nilon và băng keo chuyên dụng.
Bước 4: Sau 3-4 tuần, tháo vỏ bọc quanh chồi ghép và đem ra trồng.
Cách chăm bón cây bưởi cho năng suất cao
- Đất trồng
Đất phải có tầng canh tác dầy ít nhất là 0,6m, đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt để cây không bị ngập úng và thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất trồng bưởi có độ pH nước từ 5,5-7, có hàm lượng hữu cơ cao > 3%, không bị nhiễm mặn, mực nước ngầm thấp dưới 0,8m là tốt cho sự phát triển của cây.
- Nước
Cây bưởi cần khá nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và kết quả nhưng cũng rất sợ ngập úng, ẩm độ đất thích hợp nhất là 70- 80%. Lượng mưa cần khoảng 1000-2000mm/năm. Trong mùa nắng, cần phải tưới nước và lượng muối NaCl trong nước tưới không quá 3g/lít nước, nếu quá lượng cho phép cây sẽ bị úa lá, héo và quả không được căng mọng.
- Ánh sáng
Cường độ ánh sáng thích hợp của cây bưởi phù hợp với khí hậu hai miền nước ta. Mùa hè cường độ ánh sáng lên đến 100.000 lux, đều này dễ làm quả bưởi bị rám nắng, màu sắc không đều, ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm của trái bưởi. Vì vậy, khi người nông dân lập vườn trồng bưởi nên bố trí mật độ trồng và khoảng cách trồng hợp lý để hạn chế trái bị rám nắng.
- Nhiệt độ
Cây bưởi thuộc nhóm cây có múi như cam, quýt có nguồn gốc nhiệt đới, nhiệt độ thích hợp nhất để cây bưởi sinh trưởng và phát triển từ 23-29o C, bưởi sẽ ngừng sinh trưởng khi nhiệt độ xuống dưới 120 C và chết –50C. Nhiệt độ không những ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của quả bưởi.
Lưu ý khi ăn bưởi
- Bưởi có tính hàn lạnh, khiến cho người bị tiêu chảy ăn vào sẽ càng nghiêm trọng. Do vậy, nếu trong người yếu hoặc đang đói bụng, đang có vấn đề về dạ dày thì không nên ăn nhiều bưởi.
- Bệnh nhân bị mỡ máu cao nếu dùng một cốc nước ép bưởi để uống một viên thuốc giảm béo thì có thể dẫn đến hiện tượng đau cơ, thậm chí là dẫn đến bệnh về thận. Vì nước ép bưởi cũng có tác dụng giảm cân, khi kết hợp với thuốc cùng tác dụng sẽ gây hại cho sức khỏe.
- Một số bệnh nhân trong thời kỳ sử dụng thuốc chống dị ứng nhất định, nếu ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi, nhẹ thì có thể gây ra đau đầu, tim đập mạnh, loạn nhịp tim…, nghiêm trọng có thể dẫn đến đột tử. vì vậy, bưởi chỉ phù hợp và tốt cho sức khỏe đối với những người khỏe mạnh.
- Ngoài ra, còn một số thành phần khi kết hợp với bưởi có thể gây ra tác dụng phụ như: Dung dịch Cyclosporine, chất caffeine, canxi đối kháng, Cisapride… các bạn lưu ý khi đang sử dụng thuốc thì hãy đọc kĩ hướng dẫn xem có những hoạt chất này không trước khi ăn bưởi nhé.
Hiển thị tất cả sản phẩm