Cây Xoài
Cây Xoài nhiệt đới – Cách Trồng, chăm sóc và lợi ích từ việc trồng Xoài
Xoài là một loại quả cực kỳ quen thuộc với chúng ta. Chọn mua cây Xoài để trồng là nhu cầu của nhiều khách hàng. Cùng Cây Xanh Hà Đông tìm hiểu chi tiết hơn về loại cây này trong bài viết sau đây.
Cây Xoài – loại cây quen thuộc và có đa dạng chủng loại
Cây Xoài có tên khoa học là Mangifera Indica , thuộc họ Anacardiaceae. Nó có nguồn gốc ở các nước nhiệt đới châu Á. Cây có nhiều giá trị như cho quả thơm ngon giàu dinh dưỡng, làm cây trang trí cảnh quan, cho bóng mát,…
Kinh tế địa phương nhiều nơi trên cả nước đã thay đổi lớn từ việc phát triển các giống Xoài cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Tấm gương điển hình như chị Huỳnh Thị Hiếu, ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre thực hiện trồng giống Xoài Đài Loan ít bệnh tật sau 2 năm là cây có thể cho trái ít sâu bệnh mà giá bán lại rất cao, thương lại thường tìm tới gia đình của chị bao tiêu trái Xoài ngay từ đầu vụ…
Đặc điểm nhận biết
Xoài là loại cây thân gỗ cao từ 5 – 20 m tùy loại và điều kiện trồng. Tán cây có thể lớn nhỏ tùy giống, lá cây mọc so le, mọc đơn, thuôn dài và nhọn ở phần đỉnh. Lá Xoài có màu xanh nhẵn bóng ở mặt trên và mặt dưới nhạt màu hơn, kích thước khá lớn dài từ 10 – 30cm và rộng từ 5 – 7 cm.
Hoa mọc theo từng chùm có nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt ở ngọn cành dài khoảng 20 – 30cm. Mỗi chùm đều có hoa đực và hoa cái nên cây có thể thụ phấn chéo nhờ gió hoặc côn trùng. Quả Xoài thì quá quen thuộc với chúng ta rồi. Tuy có nhiều loại khác nhau nhưng nhìn chung Xoài là dạng quả hạch có hạt dẹt. Thịt quả dày khi xanh thì chua, còn khi chín thì khá ngọt và giàu dinh dưỡng.
Đặc điểm sinh trưởng
Nhiệt độ: Nhiệt độ lý tưởng là từ 20 – 27 độ C, cây vẫn có thể sống được trong nhiệt độ từ 10 – 45 độ C.
Đất trồng: Cây không kén đất, rễ cọc và khỏe mạnh giúp cây Xoài thích nghi rất tốt. Loại đất tốt nhất để trồng Xoài là đất có độ pH từ 5,5 – 7.
Các giống cây Xoài phổ biến tại nước ta
Xoài Cát Hòa Lộc:
Xuất xứ từ Tiền Giang, nặng trung bình từ 450 – 500gr/quả, cho năng suất quả lớn lên đến 200kg với cây lâu năm
Xoài Cát Chu:
Xuất xứ từ Đồng Tháp, nặng trung bình 250 – 350gr/quả. Thịt quả vị rất ngon, cho năng suất lớn lên đến gần 1 tấn/vụ với cây trên 20 năm.
Xoài Keo:
Xuất xứ từ vùng núi Tà Keo của Campuchia, nặng trung bình 250 – 400gr/quả. Phần thịt dày, hạt lép và có vị ngọt kèm vị hơi chua khá ngon.
Xoài Tượng:
Có vị thơm và ngọt dịu, cân nặng trung bình 500gr – 1kg.
Xoài Úc:
Có xuất xứ từ tỉnh Khánh Hòa và cả khu vực miền Trung. Vị quả rất thơm ngon cả khi xanh hay chín.
Xoài Tứ Quý:
Giống Xoài này có cân nặng trung bình khoảng 500 – 800gr/quả, khi còn xanh nó có vị giòn ngọt rất hấp dẫn.
Xoài Ngọc Vân:
Loại này cho quả có màu tím rất độc đáo, quả nặng đến 1 – 1.5kg/quả. Thịt quả ngọt thanh có màu vàng tươi, hạt thường nhỏ, dẹt
Xoài Thanh Ca:
Giống này được đánh giá rất cao về vị ngọt và mùi thơm nến được rất nhiều người yêu thích. Cân nặng của quả trung bình từ 250 – 45gr/quả.
Xoài Thái:
Quả dao động từ 300 – 500gr/ quả. Khi xanh có vị giòn và ngọt nhẹ, khi chín thịt mềm và khá ngọt.
Xoài Xiêm:
Giống này gần giống với xoài Cát Hòa Lộc nhưng cho năng suất cao hơn.
Cây Xoài và những lợi ích với sức khỏe
Cây Xoài rất được ưa chuộng trồng làm cây ăn quả, cây cho bóng mát và cây trang trí cảnh quan,… Đặc biệt từ quả, vỏ và lá của cây đều có rất nhiều tác dụng tốt với sức khỏe như:
Quả Xoài
Xoài là loại quả có hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Trong thành phần thịt quả có rất nhiều chất xơ, chất enzym phá vỡ protein, các loại vitamin A và vitamin C,… Từ đó giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng, rất tốt cho mắt, làm giảm cân và lượng cholesterol.
Đặc biệt trong quả của cây Xoài còn có các chất chất quercetin, astragalin, fisetin, isoquercitrin, axit gallic, methyl gallate giúp chống ung thư hiệu quả
Lá Xoài
Lá Xoài từ lâu đã được sử dụng làm thuốc giúp lợi tiểu, tiêu độc và lưu thông khí huyết và các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da. Lý do là trong lá cây Xoài có chứa chất tanin và mangiferin. Tuy nhiên đây cũng là một chất có thể gây độc nếu không hiểu rõ cách dùng, vậy nên bạn đừng tự ý sử dụng để chữa bệnh nhé.
Vỏ thân cây Xoài
Vỏ cây Xoài được dùng làm thuốc để chữa ho, đau họng, đau răng, làm se niêm mạc,…
Cần chú ý gì khi ăn Xoài
Xoài là một loại quả bổ dưỡng tuy nhiên nó lại có tính nóng. Nếu ăn quá nhiều Xoài chín sẽ gây ra tình trạng nóng trong, nổi mụn nhọt,… Những người đang bị sốt hay bị tình trạng nóng gan thì không nên ăn Xoài.
Còn ăn quá nhiều xoài xanh có vị chua sẽ rất có hại cho đường tiêu hóa, gây tiêu chảy,… Vậy nên bạn không nên ăn xoài xanh khi đói mà nên ăn khi nó, vì lượng enzyme trong Xoài sẽ gây hại cho đường ruột.
Xoài là loại quả có nhiều dinh dưỡng và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Từ quả Xoài chúng ta có thể chế biến được thành rất nhiều món ngon và bổ dưỡng. Hãy cùng Cây Xanh Hà Đông xem một số công thức nấu ăn từ quả Xoài trong bài viết dưới đây nhé.
Cách chọn quả Xoài ngon
Để có một món ăn ngon việc lựa chọn được những quả Xoài tươi ngon và đạt chuẩn là rất quan trọng. Khi chọn Xoài bạn có thể chú ý theo những điểm sau đây:
- Chọn quả Xoài có màu vàng đồng đều ở vỏ, da căng, không sần sùi và không có vết thâm tím nếu muốn chọn quả chín
- Nếu muốn chọn quả xanh, bạn hãy chọn phần vỏ cứng, có phấn trắng, xanh đậm.
- Chọn các quả Xoài có mùi thơm tự nhiên, cuống tươi và chắc chắn không bị héo úa
- Nên chọn quả có phần thịt chắc, không quá nhũn
Một số món ăn ngon từ quả Xoài
- Sinh tố Xoài
Sinh tố Xoài là một món ăn rất phổ biến và được nhiều người yêu thích. Cách làm món đồ uống này rất đơn giản và dễ dàng. Chuẩn bị 100gr thịt quả Xoài chín, 50gr sữa chua, 20gr đường và 50ml sữa đặc. Sau đó cho hỗn hợp tất cả các nguyên liệu cho vào xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố. Bạn có thể cho vào tủ lạnh hoặc thêm đá bào để món sinh tố ngon hơn.
- Xôi Xoài lá dứa
Chuẩn bị nguyên liệu cho 4 người ăn gồm: 400g gạo nếp, 150ml nước cốt dừa, 14ml nước cốt lá dứa, 400ml sữa tươi không đường, 2 thừa ăn cơm bột gạo, 130gr đường, 2 thìa cafe muối và 1 ít lạc rang.
Cách làm: Ngâm gạo nếp trong nước sạch từ 5 – 6 giờ, sau đó vo gạo sạch lại và vớt ra để ráo. Chuẩn bị chõ đồ xôi hoặc xửng hấp, đun khi nước sôi thì cho gạo vào hấp. Đồ xôi trong khoảng 45 phút với lửa nhỏ, khi hạt gạo trong và mềm là đã chín.
Tiếp đến là chuẩn bị nước cốt lá dứa, cho 150ml nước cốt dừa, 130gr đường và 1 muỗng cà phê muối vào đun với lửa nhỏ. Sau đó thêm 45ml nước cốt lá dứa vào đun cho đến khi sôi thì tắt bếp. Tiếp theo, làm sốt sữa tươi bằng cách cho 2 muỗng canh bột gạo, 1 muỗng cà phê muối và 400ml sữa tươi không đường và khuấy đều. Nấu trên lửa nhỏ cho đến khi hỗn hợp này hơi sệt lại là được. Trộn xôi vừa nấu chín và nước cốt dừa lá dứa thật đều và ủ trong vòng 20 phút.
Cuối cùng cho xôi ra đĩa, rưới nước sốt sữa tươi và rắc thêm 1 lạc rang bên trên. Đừng quên cho thêm miếng Xoài chín để món ăn thêm thơm ngon nhé.
- Xoài lắc
Đây là món ăn cực kỳ phổ biến và dễ làm. Để làm được món ăn này bạn cần chuẩn bị 1 quả Xoài keo còn xanh, 1 quả ớt, 1 thìa canh muối tôm, 5 thừa nước mắm và 3 thìa đường.
Xoài gọt sạch và cắt thành những miếng vuông vừa ăn, sau đó cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào lắc đều với Xoài vừa chuẩn bị. Vậy là đã xong một món ăn chua cay ngọt ngọt ăn rất đưa miệng.
- Nộm Xoài thịt bò khô chua cay
Món nộm Xoài chua cay với bò khô này được rất nhiều người yêu thích bởi vị chua cay, giòn giòn của mình. Để làm được món ăn này bạn cần chuẩn bị: 1 quả Xoài xanh (nên chọn Xoài Tượng là ngon nhất), 1 quả ớt hiểm, 100g thịt bò khô, 3 thìa nước mắm, 4 tép tỏi, 4 thìa đường, 1 ít lạc rang và vài nhánh rau húng bạc hà.
Cách làm: Xoài xanh gọt sạch vỏ và thái thành sợi, tỏi và ớt băm nhuyễn, thịt bò xé thành sợi nhỏ. Cho nước mắm, đường và tỏi ớt vừa băm nhỏ vào pha thành nước sốt trộn nộm. Cuối cùng cho Xoài vào trộn cùng nước sốt, bày ra đĩa và cho thịt bò khô sợi, lạc rang cùng vài nhánh rau bạc hà lên trên. Thành quả của bạn sẽ là món nộm Xoài giòn giòn, chua cay với thịt bò khô dai ngọt rất đưa miệng.
- Nộm Xoài tôm thịt
Món nộm này gần giống với món nộm Xoài bò khô phía trên. Các nguyên liệu bạn chuẩn bị giống như trên chỉ thay thế bò khô bằng tôm và thịt nạc.
Sau khi sơ chế Xoài, tôm luộc bỏ vỏ cắt dọc làm đôi và thịt luộc xé sợi. Sau đó cho tất cả vào trộn đều với nước sốt gồm nước mắm + đường + ớt tỏi xay nhuyễn. Sau đó nêm nếm lại cho vừa ăn rồi bày ra đĩa, rắc thêm lạc rang và rau thơm lên cho đẹp mắt và tròn vị.
Những lưu ý khi ăn Xoài
- Không ăn Xoài khi đói đặc biệt là quả xanh rất dễ gây đau bụng và đi ngoài.
- Người bị tiểu đường, béo phì, dễ tăng cân nên hạn chế ăn Xoài chín vì trong quả chín có rất nhiều đường.
- Xoài có tính nóng nên ăn nhiều sẽ dễ gây nóng trong và nổi mụn nhọt.
- Người bị nóng trong, tiêu chảy nên hạn chế ăn xoài.
Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều các món ăn ngon từ Xoài. Nếu bạn có công thức món ăn nào khác có thể chia sẻ ngay với chúng tôi ở phần bình luận bên dưới.
Cách trồng và chăm sóc cây Xoài cho nhiều quả
Xoài là một loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc, bạn có thể tham khảo một số điểm dưới đây để có kỹ thuật tốt nhất:
Thời điểm trồng: Nên chọn thời điểm trồng vào đầu mùa mưa. để cây con nhanh chóng bám dễ và phát triển.
Đất trồng: Chọn đất tơi xốp và giàu dinh dưỡng. Nên bón lót phân hữu cơ hoặc phân xanh cho đất thêm dinh dưỡng.
Chuẩn bị hố: Tùy vào kích thước của cây con mà bạn có thể đào hố cho phù hợp. Thông thường hố sẽ có kích thước 60 – 60 – 60cm.
Chọn mua cây Xoài: Nên chọn những cây xanh tươi, lá bóng mượt không có sâu bệnh. Kích thước cây nên chọn từ 80cm trở lên, tránh chọn những cây quá nhỏ sẽ khó trồng. Có thể chọn mua cây Xoài tại Vườn Cây Xanh Hà Đông để được đảm bảo chất lượng cây và giá cả
Phân bón: Sử dụng phân hữu cơ hoặc phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây. Tùy vào kích thước cây, thổ nhưỡng mà có lượng bón phù hợp. Một năm nên bón 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Về cách bón, có thể bón theo lỗ hoặc rải đều xung quanh cách gốc từ 30 – 50cm
Nước tưới: Chú ý bón đủ lượng nước cho cây Xoài vào thời điểm khi cây mới trồng và khi ra hoa đậu quả. Lúc này có thể tưới duy trì từ 3 – 4 lần/tuần.
Xoài là một loại cây quen thuộc với tất cả chúng ta. Quả Xoài có giá trị dinh dưỡng cao và được dùng trong chế biến nhiều món ăn. Tuy nhiên, cây Xoài cũng dễ gặp các loại sâu bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất cho quả và sự phát triển của cây. Cùng Cây Xanh Hà Đông tìm hiểu một số loại sâu bệnh hại phổ biến trên cây Xoài và cách phòng trừ trong bài viết dưới đây.
Một số loại sâu bệnh thường gặp trên cây Xoài và các phòng trừ
- Bệnh khô đọt thối quả
Loại bệnh này do nấm Diplodia natalensis gây hại trên cành, lá và quả. Biểu hiện là các cành lá non đốm đen và lan dần sang các bộ phận khác. Có thể kèm các triệu chứng như chảy mủ, lá xoăn cuốn lên,… Vào mùa thu hoạch quả, thì bệnh thối quả dễ gây sẽ xuất hiện các đốm đen và lan rộng làm hỏng quả. Kể cả trong giai đoạn bảo quản loại nấm này vẫn gây ảnh hưởng đến năng suất quả. Bệnh khô đọt và thối quả ở Xoài thường xuất hiện khi thời tiết mưa ẩm nhiều ngày.
Phòng trừ bằng cách loại bỏ ngay những cành lá mới bị bệnh để cách ly nguồn nấm. Sau đó có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng và trị bệnh. Chú ý khi thu hoạch quả Xoài cần cẩn thận để tránh gây bầm dập, rụng cuống quả.
- Bệnh thán thư trên cây Xoài
Biểu hiện khi Xoài mắc bệnh thán thư là lá non xuất hiện đốm nhỏ như mũi kim, sau đó các đốm này phát triển to hơn thành hình tròn, hình bầu dục,… Ban đầu các vết này chỉ hơi sậm màu sau đó chuyển dần sang màu đen. Bệnh này cũng xuất hiện biểu hiện tương tự trên hoa và quả, làm rụng hoa hay thối sượng và rụng quả. Nguyên nhân của bệnh thán thư là do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, chủ yếu xuất hiện vào các mùa mưa ẩm nhiều ngày liền.
Để phòng trừ bệnh, ngay từ khi trồng cây phải chọn các cây khỏe mạnh, cành lá xanh tươi không có dấu hiệu bất thường. Khi xuất hiện mầm bệnh cần loại bỏ ngay các cành lá sâu bệnh để tránh lan rộng. Luôn giữ vườn sạch cỏ và thoáng đãng, cắt tỉa các cành lá héo úa thường xuyên.
Bên cạnh đó, có thể dùng các loại thuốc hóa học đặc trị như Carbenzim 500FL, Thio M 70WP, 500FL để phun cho cây. Nên dùng thuốc trước khi cây trổ hoa 2 – 3 tuần. Nếu cần phun để phòng bệnh cho quả thì cần dùng định kỳ 5 – 7 ngày phun 1 lần đến trước khi thu hoạch quả.
-
Bệnh nấm phấn trắng ở Xoài
Nguyên nhân dẫn đến bệnh phấn trắng gây hại cho cây Xoài là do nấm Oidium mangiferae. Vào mùa thời tiết nóng ẩm hoặc có sương đêm sẽ dễ xuất hiện loại nấm này.
Khi mắc bệnh trên lá non, hoa và quả non sẽ xuất hiện một lớp phấn trắng. Nó bắt đầu từ ngọn và lan dần xuống lá và cành. Nó thường gây bệnh trên hoa làm rụng hoa hoặc nếu có đậu quả thì quả cũng bị hỏng làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất quả.
Phòng trị bằng cách thường xuyên để ý và cắt tỉa cành lá bất thường, nhất là khi cây ra hoa và kết trái non. Luôn giữ vườn sạch sẽ và thoáng đãng và chọn cây trồng xanh tốt ngay từ đầu. Phòng trừ bệnh phấn trắng cho cây bằng các loại thuốc như: Chlorothalonil (Daconil, Agronil), Sulfur (Kumulus, Okesulfulac), Difenoconazole (Score), Propiconazole (Map Super, Interest, Melody). Sử dụng liều lượng theo chỉ dẫn của nhà cung cấp trên bao bì.
- Bệnh nấm hồng
Bệnh nấm hồng khiến vỏ thân hay cành nhánh của cây xuất hiện các chùm tơ nấm trắng bò lan. Sau chuyển thành những mảng màu hồng hoặc chỉ thấy các gai nấm màu hồng. Nguyên nhân của bệnh này là nấm Corticium salmonicolor gây ra. Bệnh thường phát triển nặng vào những tháng mưa ẩm và trên những cây có tán lá rậm rạp.
Để phòng trị bệnh phấn hồng trên cây Xoài cần cắt tỉa cành lá thường xuyên. Khi xuất hiện mầm bệnh cần loại bỏ và tiêu hủy các cành nhiễm bệnh. Có thể dùng các loại thuốc hóa học đặc trị để chữa bệnh cho cây như thuốc Vanicide 5SL, Hạt vàng 50WP, Bonanza, Rovral hoặc Kitazin. Sử dụng liều lượng theo chỉ dẫn của nhà cung cấp trên bao bì.
- Bọ rầy và rệp sáp phá hoại cây Xoài
Tất cả các bộ phận như hoa, mầm non và lá non đều có thể bị các loại sâu bệnh này phá hoại. Chúng thường hút và làm cành lá bị khô rụng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Để phòng trừ có thể tạo điều kiện cho các loại bọ xít, ong ký sinh và bọ rùa phát triển để hạn chế bọ rầy và rệp sáp. Cũng có thể dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt khi cần thiết. Bên cạnh đó cũng cần cắt tỉa cành lá thường xuyên, tạo sự thông thoáng để hạn chế sự phát triển của sâu bệnh.
- Sâu trên cây Xoài
Sâu có thể gây hại trên thân cây, cành lá và đục quả Xoài. Nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và và bất cứ giai đoạn nào của cây. Để phòng trừ cần loại bỏ sâu bệnh khi mới xuất hiện. Nếu cần có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu để phun cho cây. Sử dụng thuốc theo liều lượng chỉ dẫn của nhà cung cấp trên bao bì.
-
Ruồi đục quả Xoài
Bệnh này xuất hiện trên nhiều loại cây ăn quả chứ không riêng trên Xoài. Nguyên nhân là do ruồi đẻ trứng vào vỏ quả sắp chín, ấu trùng nở ra sẽ thành sâu đục quả. Gây thối và rụng quả, ảnh hưởng rất nhiều nên năng suất của cây.
Để phòng trừ cần loại bỏ và tiêu diệt các quả bị ruồi để trứng. Dùng các biện pháp để giết ruồi trưởng thành như đặt bẫy, phun bả mồi protein trộn thuốc hóa học, bọc quả bằng túi chuyên dụng,…
Những chú ý khi phòng trừ sâu bệnh hại cho cây Xoài
- Chọn mua các cây Xoài xanh tươi, khỏe mạnh ngay từ đầu để đảm bảo chất lượng cây trồng
- Luôn giữ cho vườn cây thoáng đãng và sạch sẽ, cần thường xuyên cắt tỉa cành lá héo úa,…
- Không nên lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và thuốc hóa học, đặc biệt là khi cây sắp cho thu hoạch quả. Việc này có thể sẽ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mong rằng một số thông tin chia sẻ trên đây về các loại sâu bệnh trên cây Xoài và cách phòng trừ đã hữu ích với bạn. Nếu có nhu cầu mua bán cây Xoài hay các loại cây xanh khác, có thể liên hệ qua hotline của chúng tôi để nhận tư vấn miễn phí và giá thành tốt nhất. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Mọi chi tiết xin liên hệ
CÔNG TY CÂY XANH HÀ ĐÔNG
Địa chỉ vườn ươm: Phường Biên Giang – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0986.024.688
Email: [email protected]
Website: https://cayxanhhadong.com
Fb: https://www.facebook.com/cayxanhhadong
Hiển thị tất cả sản phẩm