CÂY BỒ ĐỀ DÁNG ĐẸP
Cây đồ đề dễ trồng và chăm sóc, thường được trồng tại các đền, chùa. Cây có thể sống lâu năm, nên việc trồng cây với mục đích tạo nét đẹp và không gian xanh rất thích hợp vì có thể trồng qua nhiều năm mà không phải thay thế cây mới. Cũng giống như cây đa, cây bồ đề nhiều năm tuổi sẽ có bộ rễ rất đẹp và bắt mắt với nhiều rễ phụ kéo dài từ cành xuống đến mặt đất.
Đặc điểm hình thái của cây bồ đề
Bồ đề hay còn gọi cây đề, cây giác ngộ. Tên khoa học là Ficus religiosa
Tên tiếng Anh là: Mock Bodhi trees
Họ thực vật: Moraceae (họ Dâu Tằm)
Nguồn gốc xuất xứ: Ấn Độ.
Cây bồ đề là cây thân gỗ sống lâu năm. Cây có thường cao từ 15 đến 20m, tối đa có thể cao tới 30m. Đường kính thân 3m. Cây có nhiều cành nhánh, thường rụng lá vào mùa khô hoặc thường xanh bán mùa. Thân mọc thẳng có vỏ màu nâu xám hoặc nâu, có vảy và nhiều rễ. Các rễ phụ đâm từ cành xuống mặt đất tạo nét đẹp cổ kính, hoang sơ cho cây bồ đề. Cây cũng phân cành nhánh nhiều, cọng rủ xuống tạo tán rộng, rậm.
Lá hình trái tim với đỉnh nhọn kéo dài thêm từ 2 đến 5cm. Cuống lá dài 6–10cm, màu xanh lục đậm làm nổi bật gân lông chim. Lá bồ đề non có màu hơi đỏ, khi già màu lá dần chuyển sang xanh thẫm, bề mặt lá nhẵn nhụi.
Hoa bồ đề nhỏ, mọc thành cụm. Là hoa đơn tính; nhỏ có hình cầu và có màu đỏ. Hoa bồ đề nở vào tháng 2 kéo dài đến khoảng cuối tháng 4 thì bắt đầu kết quả. Quả bồ đề mọc thành từng chùm, không có cuống. Quả có hình cầu bẹt gần giống với quả sung, quả vả nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Đường kính quả đạt từ 1-1,5cm. Quả bồ đề có màu xanh lục điểm tía. Quả thường chín vào khoảng tháng 5-6 hàng năm.
Đặc điểm sinh lý của cây bồ đề
Cây bồ đề có tốc độ sinh trưởng nhanh, có khả năng thích nghi rộng. Là cây chịu được bán bóng và ánh sáng hoàn toàn. Cây chịu rét tương đối khỏe nhưng không chịu được nhiệt độ cao và khô hạn kéo dài. Cây phát triển mạnh trên đất sâu ẩm, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng và thoát nước tốt. Do đặc tính thân cành mềm dẻo, dễ uốn ép tạo dáng nên bồ đề được dùng để tạo cây bonsai, tạo tiểu cảnh cho hòn non bộ.
Cây bồ đề có thể được nhân giống dễ dàng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành ở môi trường có độ ẩm thích hợp.
Ý nghĩa và công dụng của cây bồ đề
Ý nghĩa về phong thủy: Cây bồ đề tượng trưng cho phật giáo. Theo người Ấn Độ thì loài cây này rất linh thiêng. Cây bồ đề được xem là biểu tượng cho học vấn uyên thâm, khả năng sinh sản, sự giác ngộ và sự chở che, bảo vệ.
Cây bồ đề có dáng đẹp, cao to, tán rộng thường được trồng tại đình chùa, công viên, trường học, một số vỉa hè đô thị. Cây cũng dùng để làm đẹp cho các quán cafe, nhà hàng sân vườn, tạo cảnh quan xanh cho không gian.
Bồ đề còn cho gỗ tốt mềm, nhẹ, thớ mịn, đều, ít cong vênh, dễ xẻ, dễ chẻ nhỏ,…được dùng làm giấy, tăm… Nhựa của cây bồ đề có mùi thơm được dùng trong công nghiệp nước hoa và trong y học làm thuốc chữa bệnh suyễn, tiểu đường, tiêu chảy, lở loét, tăng cường hệ miễn dịch hoặc làm đồ thủ công mỹ nghệ…
Nước cốt lá bồ đề giúp giảm đau đầu, tiêu chảy, đái ra máu, đau răng, rối loạn tình dục…
Lá và chồi non của cây giúp tẩy trùng vết thương.
Cách trồng và chăm sóc cây bồ đề
Cây bồ đề có tốc độ sinh trưởng mạnh mẽ, khả năng thích nghi với thời tiết khá tốt nên rất dễ chăm sóc. Chỉ cần lưu ý một số điều sau:
Cây bồ đề ưa sáng, đòi hỏi lượng ánh sáng nhiều, cây chịu rét khỏe nhưng lại không chịu được nhiệt độ quá cao. Nên trồng cây ở nơi thoáng đãng, nhiều ánh sáng để cây phát triển, hạn chế trồng ở trong bóng râm.
Cây phát triển mạnh mẽ trên nền đất ẩm, tơi xốp, nhiều dinh dưỡng, nhất là loại đất ruộng. Rễ cây cắm sâu vào lòng đất nên chỉ cần đất ẩm là cây đã hấp thụ nước và chất dinh dưỡng đầy đủ rồi.
Việc tưới nước cho cây bồ đề khi còn non thì nên thường xuyên để cây không bị héo. Nhưng khi cây trưởng thành thì cũng không cần tưới quá nhiều, chỉ cần lượng nước mưa hàng năm cũng đủ. Chỉ nên tưới nước khi thời tiết quá nắng nóng, hay thời gian dài không có mưa.