Cây Sau Sau – Công Dụng

    Đến Bình Liêu mùa này, đi theo con đường từ Tình Khúc lên Hoành Mô chúng ta dễ dàng bắt gặp những sắc đỏ của cây Sau Sau. Xen lẫn với những thửa ruộng bậc thang màu đất khô, màu đỏ của Cây Sau Sau tạo ra khung cảnh một vùng cao bình yên làm xao xuyến lòng người.

  – Cây Sau Sau chưa có nhiều công trình nghiên cứu sâu về thành phần hóa học các bộ phận  và các tính năng khác của sau sau. Một số nghiên cứu cho biết lá cây sau sau chứa nhiều tanin. Quả chứa axit liquidamric, axit liquidamric lacton, axit tbeturonic. Nhựa màu vàng nhạt, chứa chứa tinh dầu trong đó có 15% axit cinnamic, cinnamyl cinnamat và l-bocneola. và nhiều chất khác. Lá chứa 0,05% tinh dầu chủ yếu là terpen (88%) như  L- anpha-pinen, beta-pinen.Theo y học cổ truyền, quả cây sau sau có vị đắng, tính bình, mùi thơm; tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh. Lá của cây sau sau có vị đắng, tính bình; tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết. Nhựa cây sau sau có vị ngọt, cay, tính ấm, tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau. Rễ cây sau sau vị đắng tính ấm; tác dụng khư thấp, chỉ thống. Quả cây sau sau có tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh; chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, tâm vị đau trướng, thủy thũng, đái khó, mề đay, viêm da, chàm. Lá cây sau sau có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết; chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, dùng ngoài trị mẩn ngứa, eczema. Nhựa cây sau sau có tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau; trị ho có đờm, kinh giản, thổ huyết, nôn ra máu, chảy máu cam. Rễ cây sau sau có tác dụng khứ thấp, chỉ thống; chữa thấp khớp, đau răng.

   Ngọn lá cây sau sau non có mùi thơm dễ chịu được dùng để ăn sống, xào nấu và nhuộm xôi. Gỗ nhẹ, tỷ trọng 0,45 – 0,67, thớ xoắn, dễ nứt, chóng bị mục. Cây sau sau sau khi qua ngâm tẩm dầu có thể dùng làm tà vẹt, cột điện, cột buồm, đóng tàu thuyền, đóng đồ dùng. Nhựa cây sau sau có màu vàng nhạt, rất thơm. Từ những năm 1970 thế kỷ 20 Trường Đại học dược Hà Nội đã sản xuất được nhựa thơm Việt Nam ( Viet Nam balsam) từ cây sau sau có chất lượng tương đương nhựa thơm Canada dùng để bào chế mỹ phẩm, ứng dụng trong y học. – Các loại tầm gửi mọc trên cây sau sau đều có tác dụng làm thuốc. Người vùng cao thường dùng tầm gửi sau sau để xông hơi, đun nước tắm cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Các loại nấm mọc trên cây sau sau như nấm hương, mộc nhĩ, nấm sò đều có thể dùng làm thực phẩm an toàn.

 – Cây sau sau là cây xanh tiên phong tạo môi trường tiểu khí hậu cho nhiều cây rừng khác phát triển. Sau sau thường mọc hoang thành quần thể rừng. Cây sau sau cao, to, thẳng nên rừng sau sau thường tạo ra dáng dấp rất ấn tượng trong cảnh quan hùng vĩ của núi rừng. Vỏ cây sau sau màu trắng đục, có những đốm loang màu ghi nên vào mùa đông trông hao hao những cánh rừng bạch dương ở một số nước phương tây. Đặc biệt lá cây sau sau vào mùa nào cũng đẹp cũng làm cho mọi người để ý, khó quên. Vào mùa xuân khi những mầm non, lá non đua nhau nảy lộc đơm lá, rừng cây sau sau tràn sức sống bởi màu đỏ dịu dàng.

  – Cuối xuân sang hè thì trên những thân cây thẳng màu trắng nõn nà xanh màu lá mạ của triệu triệu lá sau sau. Rừng cây sau sau cũng vì thế nổi bật trong rừng núi đủ muôn màu hoa lá. Vào hè đến cuối thu lá sau sau chuyển màu xanh thẫm rồi ngả màu vàng để cuối thu thành màu đỏ rực tạo ra quang cảnh như rừng phong nơi ôn đới. Ngày đông giá rét sau sau trụi lá rừng sau sau như gây ảo giác lạc đến những miền đất xa lạ.

 

Đặc điểm của cây sau sau :

Cây sau sau phân bố khá rộng do đó sẽ có nhiều ứng dụng vào cuộc sống khác nhau mà tác giả bài này chưa biết. Riêng người Tày Cao Bằng từ lâu đã dùng lá cây sau sau để làm thực phẩm và nhuộm xôi.Lá non của cây sau sau thường được sử dụng dưới dạng gia vị là rau sống để ăn kèm với các loại rau sống khác. Một số quán phở vùng cao cũng có gia vị từ lá cây sau sau non.Lá  cây sau sau non đem xào với thịt bò thành món ăn thơm ngon và lạ.Lá cây sau sau đun lên lấy nước ngâm gạo nếp để đồ xôi thành màu xanh đen ngả tím rất đẹp trong thành phần xôi ngũ sắc vẫn được người Tày dùng trong các dịp lễ tết.Hầu hết các bộ phận của cây sau sau đều là thuốc với những tên rất ý nghĩa. Một số bài thuốc dân gian từ cây sau sau đã được ứng dụng vào thực tiễn có kết quả cao.

– Tác dụng chữa bệnh từ cây sau sau :

* Chữa sâu răng, đau răng:
– Nhựa cây sau sau đốt cháy, phần còn lại tán nhỏ, chấm vào chỗ đau.
– Vỏ cây sau sau phơi khô đốt thành than tán bột chấm vào chỗ răng đau để chừng 15-20 phút. Ngày làm vài lần.
* Chữa nổi mẩn, mề đay, lở ngứa: 
Dùng lá hoặc vỏ cây xông hơi hoặc nấu lấy nước, lau rửa hoặc tắm.
* Chữa mụn nhọt, chấn thương: Nhựa sau sau 40g, nhựa thông 40g, sáp ong 10g, dầu vừng 10g. Tất cả đun cho tan, đánh đều cho loãng, để nguội phết lên giấy và dán vào chỗ đau.*
Chữa phong thấp, lưng gối đau, chân tay co quắp, toàn thân tê buốt: lộ lộ thông 20g, tùng tiết 20g. Sắc uống. Không dùng cho phụ nữ có thai.
* Chữa cảm mạo: Lá cây sau sau non 15g, lá chè 10g, rửa sạch, cho vào ấm hãm ngày uống 2 lần. Mỗi lần 100ml, dùng liền 3 ngày.
* Chữa say nắng: Lá sau sau non 10g rửa sạch, giã nát hòa với 200ml nước sôi, gạn lấy nước uống.
* Chữa lỵ, nhiễm trùng đường ruột:
   – Lá cây sau sau tươi 30g, lá nghẻ tươi (nghể răm) 15g, giã vắt nước uống.
    – Lá cây sau sau non đầu cành 30g sắc nước pha đường uống.
* Chữa đại tiện ra máu do thống nhiệt: Lộ lộ thông 01 đốt tồn tính nghiền bột pha rượu uống.