Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lộc vừng

Lộc vừng là một loại cây bóng mát rất được ưa chuộng bởi nó cho hoa đẹp. Bên cạnh đó nó còn nằm trong bộ tam đa (đa phúc, đa lộc, đa thọ). Trong đó, cây sung biểu hiện cho sung túc, phúc dầy. Cây lộc vừng biểu hiện cho lộc và cây đa biểu tượng cho thọ. Cây lộc vừng cũng được xếp vào một trong những cây bờ nước vì có bộ rễ bán thủy sinh và có thể phát triển tốt ở vùng nước lợ. Lợi dụng điểm này, người ta thường trồng lộc vừng ở các hòn non bộ, trồng chậu cảnh bonsai cho hoa buông rủ xuống mềm mại, đẹp xao xuyến.

Cây lộc vừng được trồng lấy bóng mát, trồng làm cây cảnh hoặc trồng cảnh bonsai gần đây rất được người dân ưa chuộng. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây còn phụ thuộc vào mục đích trồng.

Giống cây lộc vừng

Cây lộc vừng có khá nhiều loại khác nhau từ lá tròn cho đến lá dài, có loại cho hoa màu hồng, có loại cho màu đỏ, loại cho màu vàng…Hoa của các loại có hình dáng tương tự và chỉ khác nhau về màu sắc. Dù là loại nào thì hoa của chúng cũng nở từ khoảng tháng 6 đến tháng 8. Trong đó, thì cây lộc vừng lá tròn thường cho hoa sớm nhất, hoa cũng dài và nở lâu hơn những cây lộc vừng lá dài.

Đất trồng cây lộc vừng

Đất trồng cây lộc vừng phải là đất màu có trộn thêm các phụ gia như trấu, xỉ than lò gạch nghiền nhỏ và cả phân bón để giúp đất giàu chất dinh dưỡng hơn. Các yêu cầu về đất là rất quan trọng để cây có thể phát triển khỏe mạnh và xanh tốt quanh năm. Tốt nhất nên chọn đất trồng tơi xốp, thoáng, nồng độ các chất dinh dưỡng cao. Việc đáp ứng điều kiện về thổ nhưỡng là điều kiện tiên quyết để có một cây lộc vừng đẹp và sai hoa.

Kỹ thuật trồng cây lộc vừng

Dù bạn muốn trồng cây trong hang, chậu hay hòn non bộ, trồng bonsai thì điều kiện đầu tiên là bạn phải có lỗ thoát nước cho cây. Sau khi đã chuẩn bị xong, bạn bỏ bầu cây vào chậu rồi nén đất thật chặt để cố định cây. Nếu cây trồng bờ nước như ở hòn non bộ hay bể thì bạn cần xếp thêm gạch và đá xung quanh để cố định cây chắc chắn.

Sau đó chỉ cần chăm sóc, tưới nước vừa đủ cho cây. Nếu cây phát triển tốt chứng tỏ bộ rễ đã phát triển khỏe. Lúc này bạn có thể tưới nước thoải mái cho cây nhưng chú ý không tưới  quá nhiều khiến cây bị úng. Đến thời điểm rễ cây khỏe đâm cả ra bên ngoài thì bạn có thể bỏ được gạch đá ra, bịt lỗ thoát nước lại. Khi đó, bầu của cây có thể ngâm nước thoải mái mà vẫn phát triển bình thường và cho hoa đúng mùa.

Cách chăm sóc cây lộc vừng

Để có một cây lộc vừng xanh tốt và sai hoa sẽ là không khó nếu bạn áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật trồng cây. Vì kỹ thuật trồng quyết định đến 80% xem cây có sinh trưởng và phát triển tốt hay không. Nếu cây được trồng đúng cách thì chỉ cần kết hợp chăm sóc khoa học bạn sẽ có được một cây lộc vừng như ý muốn.

Nơi đặt cây lộc vừng cần thông thoáng để cây phát triển tốt cả bốn mùa. Bản thây cây lộc vừng không cần bón phân thường xuyên mà cây vẫn xanh tốt. Tuy nhiên, nếu muốn cành nhánh ra nhiều và phát triển đều thì nên bổ sung đạm định kỳ vài tháng một lần cho cây. Nước cũng là một yếu tố không thể thiếu. Tốt nhất nên tưới nước cho cây 2 lần một ngày và sáng sớm và chiều tối. Nếu ngày mưa thì tối không cần tưới, hoặc mưa từ đêm hôm trước thì sáng không phải tưới.

Đối với những cây trồng trong chậu thì 2-3 năm nên trồng lại một lần, thay đất mới cho chậu cây. Đảm bảo luôn đủ chất dinh dưỡng cho cây ra hoa đúng mùa.

Cách kích thích lộc vừng ra hoa theo ý muốn

Cây lộc vừng ưa nước và dễ chăm sóc. Để cây ra sai hoa thì chỉ cần chăm sóc đầy đủ khoa học là được. Một năm cây thường ra hoa 2 lần từ tháng 6-8 và từ tháng 10-11 âm lịch. Bên cạnh đó ta cũng có thể bắt cây lộc vừng ra hoa vào đúng dịp tết theo ý muốn.

Để làm cây lộc vừng ra hoa đúng thời gian mong muốn, bạn cần phải tạo ra bước đột phá về sinh lý cho cây. Tức là làm cho cây trút hết lá già trong thời gian ngắn nhất. Để thực hiện việc này bạn có thể tưới cho cây lượng phân kali hoặc natri hơi đậm.

Bốn ngày tiếp theo thì lá già chuyển vàng, ba ngày sau thì lá sẽ bắt đầu rụng. Khi cây rụng hết lá, mỗi ngày tưới nước vo gạo cho cây để kích thích cây mọc lá non mới. Chì khoảng sau một tháng thì mầm lá và mầm hoa sẽ đâm ra. Khi hoa tàn ta lại áp dụng trình tự như trên thì lộc vừng sẽ lại tiếp tục cho hoa.

Phòng trừ sâu bệnh

Cây lộc vừng có khá nhiều sâu bệnh hại tấn công. Cách đơn giản nhất để phòng trừ là cắt bỏ các cành tăm, cành khuất tán để loại bỏ chỗ ẩn nấp của sâu bệnh. Bên cạnh đó nó cũng giúp dồn nhựa sống để nuôi những cành chính lộ sáng.

Nhân giống cây lộc vừng

Lộc vừng thường được nhân giống bằng 2 phương pháp cơ bản là hữu tính và vô tính. Với phương pháp nhân giống hữu tính, chúng ta gieo trồng bằng hạt đã chín cây. Vô tính thì thường chiết vào mùa nóng ẩm hoặc giâm vào mùa hanh lạnh khi lá trên cây rụng và chồi ẩn chưa hoạt động.

Mọi thắc mắc hoặc mong muốn được tư vấn kỹ hơn về phương pháp trồng và chăm sóc cây lộc vừng các bạn có thể liên hệ Cây xanh Hà Đông:

Hotline:                     0986.024.688

Địa chỉ vườn ươm:   Phường Biên Giang – Hà Đông – Hà Nội

Email:                         [email protected]

Website:                    Cayxanhhadong.com