Với sự gắn bó giữa cây hoa ban và đời sống của nhân dân các dân tộc Điện Biên – Tây Bắc, trong đó tiêu biểu nhất là đồng bào dân tộc Thái, hình ảnh cây hoa ban đã trở thành một loài cây mang tính biểu tượng đẹp đẽ.
Nếu như cao nguyên đá Hà Giang nổi tiếng với sắc hồng của hoa tam giác mạch, Mộc Châu với sắc trắng tinh khôi của cây mận, thì màu trắng nhẹ nhàng phớt hồng của cây hoa ban là “thương hiệu” của vùng Tây Bắc nói chung và mảnh đất lịch sử Điện Biên nói riêng.
Tháng Ba, khi tiết trời lạnh giá của mùa Đông dần tan đi, hơi thở ấm áp của mùa Xuân tràn ngập đất trời, cũng là lúc cây ban khoe sắc tô điểm vùng Tây Bắc. Dọc khắp núi rừng, từ những con đường dẫn vào thành phố Điện Biên hay những lối nhỏ tới những bản làng, những cây ban đang độ ươm nụ, ươm hoa. Những cơn mưa lất phất của mùa Xuân như đánh thức rừng hoa sau một giấc ngủ Đông, những cành khô khẳng khiu bật lên tràn đầy sức sống khi những bông hoa trắng phơn phớt hồng tím ươm mình trên đó.
– Loài cây sinh ra từ câu chuyện tình yêu…
Người ta thường nói cây ban trắng gắn liền với tình yêu của một đôi trai gái. Thuở ấy, ở vùng Tây Bắc chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên Ban. Khum có tài săn bắn, luôn chăm lo nương rẫy. Nàng Ban thì xinh đẹp, khéo léo. Không biết bao nhiêu chàng trai đem lòng yêu nàng, nhưng trái tim nàng đã trao cho chàng Khum. Cha nàng Ban chê thân phận nghèo của chàng Khum nên ép gả con cho con trai nhà Tạo Nường. Cầu xin cha không được, bước đường cùng, nàng chạy đi tìm chàng Khum cầu cứu. Không gặp được chàng, nàng buộc khăn piêu nơi cầu thang nhà chàng rồi đi tìm chàng. Cuối cùng kiệt sức nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng ngã xuống sau đó mọc lên một cây hoa màu trắng. Và rồi loài cây ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, cứ mỗi độ Xuân về, hoa lại nở trắng trời, tỏa hương ngan ngát khắp núi rừng. Từ đó người ta đặt tên loài cây ấy là cây hoa ban.
Cây ban đẹp như người con gái tuổi đôi mươi
Có lẽ bởi vậy, thân cây ban như hình người con gái, mỏng manh nhưng tràn đầy sức sống. Khi mùa Đông tới, cây ban tự mình trút lá, dồn nhựa vào thân, dù mọc trên đồi cỏ hay sườn núi cheo leo, cây luôn vươn mình đón nắng và đâm chồi, nảy lộc, nở đúng hẹn khi mùa Xuân về. Lá cây mọc cách, không xếp thành tán và không rậm rạp như các loài cây cối khác. Người Thái thường bảo lá ban có hình “đôi trái tim ghép lại”. Cánh hoa trắng nõn nà như làn da thiếu nữ Thái độ xuân xanh. Những nụ hoa ban thon thon như búp tay người con gái dắt lối những kẻ tò mò lạc sâu vào giữa rừng hoa. Trên đầu, ngàn vạn cánh hoa rung rinh như ngàn vạn cánh bướm đang tỏa hương thơm. Dưới chân, ban rụng lớp lớp cánh, đậu cả bông xuống thảm cỏ xanh vẫn xòe cánh thắm, dịu dàng biết mấy. Ban đẹp lắm, đẹp như người con gái đôi mươi, rực rỡ mà mộc mạc, hoang dại mà quyến rũ, tinh khôi mà e ấp, khiến lòng người xốn xang, da diết.
… và là biểu tượng của núi rừng và con người Tây Bắc
Đã hơn 62 năm qua đi, vẫn văng vẳng bên tai lời ca sôi động hùng tráng: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở…”. Ban vẫn nở trắng trời, trắng đất, gợi lên một thời kỳ lịch sử gian khó nhưng tràn đầy oai hùng.Cây ban của Tây Bắc đấy. Cây ban nở trên bờ sông Nậm Rốm, Nậm Na, nở thành rừng hoa ở khu vực đèo Pha Đin, khu chỉ huy Mường Phăng. Hoa ban trải ra khắp vùng núi non ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái.
Cây Ban – vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc
Hoa ban gắn bó với tình người Tây Bắc biết bao năm tháng. Với người già, cây hoa ban là biểu tượng cho sự hiếu thảo của con cháu. Với tuổi trẻ, cây ban là biểu tượng của sự thủy chung. Cây ban mọc trên sườn núi, sườn đồi như con người chịu thương chịu khó. Năm nào hoa ban nở nhiều là già làng bảo năm ấy ít úng lũ hay hạn hán, mùa màng sẽ tốt tươi. Hoa ban nở nhiều mẹ vui bảo: các cô tiên trên trời cao đã tặng chiếc áo choàng trắng cho núi rừng trong ngày hội. Hội hoa ban nao nức núi rừng Tây Bắc.
Từ sáng tinh mơ của những ngày hội hoa ban, tiếng trống, tiếng chiêng âm vang truyền lan núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà, nấu măng; có nhà mổ lợn bày cỗ. Rượu cần từng vò lớn, nhỏ được bê ra để chuẩn bị đãi khách. Đó là những công việc phần lớn thuộc về lớp trung niên và người già. Còn những chàng trai, cô gái thì áo quần, khăn váy chỉnh tề, gọi nhau í ới và cùng đổ ra đường dẫn đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa vừa hé nụ, đều nhất, đẹp nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ.
Cũng trong ngày hội này, trai gái trên bản dưới mường thi hát giao duyên hòa cùng tiếng kèn, tiếng sáo dưới ánh trăng, trước hoa ban trắng thanh khiết trên nền xanh thẫm của núi rừng Tây Bắc. Họ tặng nhau những tín vật định tình như tấm phà (mặt váy thêu công phu), vòng đeo tay bằng bạc, trầu cau và những chai rượu nếp mang hương vị của suối rừng để hy vọng mối tình nên duyên chồng vợ.
Thi múa xòe tại Lễ hội Hoa Ban
Tháng Ba đã về, người dân địa phương và du khách muôn nơi lại đổ về Điện Biên để được chứng kiến các hoạt động vui chơi, ca hát giao duyên rộn ràng của trai gái thanh niên Thái Đen, Thái Trắng và hòa mình vào “Lễ hội Hoa Ban năm 2016” hấp dẫn của các tỉnh Tây Bắc. Lễ hội Hoa Ban được tổ chức năm nay là năm thứ 3 để chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh Điện Biên, cũng là lễ hội góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa dân tộc; giới thiệu hình ảnh Điện Biên với bạn bè trong nước và quốc tế; thúc đẩy hoạt động xúc tiến, đầu tư; tăng cường hợp tác, liên kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh… phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và tâm linh gắn với hoa ban. Từ đó, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh và từng bước đưa Điện Biên trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia trong những năm tới.